Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8
Truy trả lương hưu tăng thêm, nâng tuổi phục vụ của sĩ quan công an, kéo dài thời hạn thị thực điện tử là những chính sách nổi bật hiệu lực từ tháng 8.
Truy trả tiền lương hưu tăng thêm từ 14/8
Nghị quyết 69 của Quốc hội tháng 11/2022 đã đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu mỗi tháng từ 1/7/2023. Trên cơ sở đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng tăng 12,5-20,8% tùy nhóm.
Ngày 29/6, Chính phủ ban hành Nghị định 42 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp. Quy định thực hiện từ 1/7 song văn bản 45 ngày sau mới có hiệu lực. Vì thế, kỳ lương đầu tháng 7, người về hưu chưa được lĩnh phần lương tăng thêm. 3,4 triệu người sẽ nhận lương hưu mới cùng phần tăng thêm tháng 7 vào 14/8, khi nghị định lẫn thông tư hướng dẫn có hiệu lực.
Tăng hạn tuổi phục vụ sĩ quan, hạ sĩ quan công an
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 5, hiệu lực từ 15/8.
Luật quy định tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan là thượng tá tăng 3 tuổi, nữ sĩ quan cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi như hiện nay. Sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam; 55 lên 60 tuổi với nữ.
Theo lộ trình, mỗi năm tuổi phục vụ sẽ tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 đối với nam và dưới 55 với nữ sẽ tăng ngay hai tuổi, không theo lộ trình nêu trên. Ngoài ra, sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không còn đủ 3 năm công tác sẽ do Chủ tịch nước quyết định khi có yêu cầu.
Một trong những điểm mới của luật này là bổ sung 6 vị trí cấp tướng. Trong đó có sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có hàm cao nhất là thượng tướng. Năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng gồm Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; hai vị trí Phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Cán bộ công an quận Long Biên (Hà Nội) hướng dẫn người dân đăng ký cấp căn cước công dân. Ảnh: Giang Huy
Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp 5, hiệu lực từ ngày 15/8.
Thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.
Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Cấp, quản lý biển số xe theo mã định danh
Thông tư số 24/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15/8 quy định biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.
Đối với chủ xe là công dân Việt Nam, biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân. Chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú, số chứng minh thư do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì biển số được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình. Biển số định danh được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày thu hồi; quá thời hạn nêu trên, nếu chủ xe chưa đăng ký thì số biển số định danh đó được chuyển vào kho. Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú, được giữ lại biển số định danh.
Du khách nước ngoài trải nghiệm cà phê đường tàu tại Hà Nội, tháng 3/2023. Ảnh: Giang Huy
Phong tỏa tài sản của người bị thanh tra
Nghị định số 43/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, có hiệu lực từ ngày 15/8.
Cơ quan chức năng sẽ phong tỏa tài khoản trong trường hợp người bị thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, như chuẩn bị hoặc đã giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản.
Việc phong tỏa cũng được áp dụng với người bị thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.