Hòa Xuân - mùa khô 1966
Ngày 20/10/1965, do yêu cầu chiến trường, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương giải phóng hoàn toàn xã Hòa Xuân.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Phân khu Nam đã tăng cường Tiểu đoàn 14 (Tiểu đoàn 30) về phối hợp với quân dân Hòa Xuân đánh bại đội Bảo an chốt ở cầu Bàn Thạch. Trận đánh ác liệt kéo dài đến trưa 26/10/1965. Do không tiêu diệt được lô cốt ở đầu cầu Bàn Thạch, Tiểu đoàn 14 không làm chủ hoàn toàn trận địa. Nhưng quân ta đã đánh thiệt hại nặng một đại đội Bảo an và 2 trung đội dân vệ. Tuy chưa đạt yêu cầu giải phóng toàn xã nhưng Hòa Xuân đã mở thế rất cơ bản. Cuối năm 1965, gần hết xã Hòa Xuân được giải phóng.
Để cứu Ngụy quyền thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, Mỹ ào ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam. Ngày 1/11/1965, Mỹ đưa tiểu đoàn pháo binh đầu tiên vào sân bay Đông Tác. Sau đó, Mỹ đưa Lữ đoàn “Rồng Xanh” lính đánh thuê Nam Triều Tiên, Lữ đoàn 1 Sư đoàn dù 101 Mỹ vào Đông Tác. Đây là những đơn vị lính Mỹ và chư hầu đầu tiên đổ bộ lên Tuy Hòa. Sự có mặt của quân xâm lược Mỹ và chư hầu làm cho ý định giải phóng Tuy Hòa nói chung và Hòa Xuân nói riêng không thực hiện được.
Tháng 12/1965, đồng chí Nguyễn Hải - du kích thôn Lạc Long, bắn rơi một máy bay Mỹ ở Gò Chày. Địch càng cay cú và điên cuồng dội pháo vào làng trả đũa.
Với lực lượng hùng hậu trên, cộng với lực lượng quân ngụy tại chỗ, địch ráo riết chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 nhằm “tìm diệt” chủ lực ta, giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Phú Yên là một trong năm hướng tấn công của chiến dịch 5 mũi tên, mà Tuy Hòa là chiến trường trọng điểm, mang tên cuộc hành quân Van Bua Ren.
4 giờ sáng 1/1/1966, địch huy động 2 tiểu đoàn Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn “Rồng Xanh” cùng với 3 tiểu đoàn quân ngụy mở cuộc hành quân vào Hòa Xuân bằng nhiều mũi. Địch dùng hàng trăm máy bay lên thẳng đổ quân xuống xóm Mới, Lạc Long và tiến thẳng bằng đường bộ vào Bàn Thạch. Từ đây, địch chia làm 2 cánh đánh vào thung lũng Hảo Sơn và Hóc Gạo (Hóc Ông Thơm). Địch đánh bất ngờ khi bộ đội ta còn ngủ. Đây là vùng trú quân của Ban chỉ huy Trung đoàn 10, Đại đội Đặc công 25, Đại đội 377 bộ đội Tuy Hòa 1 và du kích xã Hòa Xuân. Nhưng đại đội đặc công và hầu hết cán bộ cơ quan, trung đội cảnh vệ đi hoạt động. Tại đây chỉ còn Đại đội 377 và 8 đồng chí cảnh vệ cùng du kích xã Hòa Xuân, do đồng chí Nguyễn Quyền (Mười Hòa) - Huyện đội phó chỉ huy chung, cùng đồng chí Phạm Ngọc Quang - Đại đội trưởng 377 chỉ huy trực tiếp.
Tại Đá Lợp, mặc dù địch đông quân hơn ta nhiều lần nhưng quân dân Hòa Xuân đã sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ Đại đội 377 và 8 đồng chí chiến sĩ cảnh vệ của Trung đoàn bộ Trung đoàn 10 vẫn quyết tâm đánh phủ đầu bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Đá Lợp nằm trong dãy núi phía tây xã Hòa Xuân, có nhiều tảng đá lớn chồng lên nhau tạo thành nhiều hang, gộp, hóc có giá trị như những công sự tự nhiên liên hoàn kiên cố. Quân ta chủ động chiếm địa hình có lợi, vận dụng chiến thuật phục kích, hình thành thế bao vây, chia cắt địch, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, đánh gần, nổ súng đồng loạt, hợp đồng chặt, nhanh chóng xuất kích bao vây tiêu diệt địch, thu vũ khí, làm chủ trận địa.
Dựa vào ưu thế địa hình trên cao và tận dụng các gộp đá, quân ta bình tĩnh nhử cho địch vào thật gần bên trong nhằm ném lựu đạn rồi mới nổ súng tấn công. Địch dưới chân núi trống trải lại bị ta đánh bất ngờ nên chúng chống trả rất yếu ớt. Hai đại đội địch ở phía sau bị sương mù che khuất nên không chi viện cho đồng bọn phía trước đang giãy chết. Chỉ sau ít phút chiến đấu, quân ta diệt gọn một đại đội Nam Triều Tiên, gần một trăm tên lính Nam Triều Tiên chết và bị thương nằm phơi xác ngổn ngang trước trận địa. Những tên còn sống chạy thục mạng về phía sau. Chớp thời cơ, bộ đội ta xung phong đánh bật địch ra khỏi trận địa thu được 1 khẩu đại liên, 9 khẩu tiểu liên AR15, 2 súng chống tăng M72, hơn 30 mặt nạ phòng độc và nhiều đạn, lựu đạn M79.
Cùng thời gian này, cánh quân dù ngụy ồ ạt tiến vào phía đông Hóc Gạo bị 8 chiến sĩ cảnh vệ Trung đoàn 10 chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt tên thiếu tá chỉ huy và hàng chục tên khác. Địch khựng lại và hốt hoảng rút chạy.
Mảnh đất Hòa Xuân đã ghi đậm chiến công đánh thắng trận phủ đầu giòn giã tiêu diệt bọn lính Lữ đoàn “Rồng Xanh” Nam Triều Tiên khi chúng đặt chân lên đất Phú Yên. Lính đánh thuê Nam Triều Tiên nổi tiếng gian ác khát máu này rất cay cú.
Ba ngày sau, địch sử dụng bộ binh có máy bay và pháo binh yểm trợ, sử dụng cả vũ khí hóa học, mở nhiều đợt tấn công hòng đánh bật lực lượng ta để lấy xác đồng bọn. Chúng đã huy động hàng chục máy bay ném bom, dội không biết bao nhiêu bom pháo vào Hóc Gạo nhằm tiêu diệt du kích Hòa Xuân và Đại đội địa phương 377.
Quân Mỹ còn sử dụng cả đạn hóa học nhằm làm cho bộ đội ta chết ngạt dưới gộp đá. Song, bộ đội ta vẫn kiên cường trụ bám dưới mưa bom bão đạn của địch, không hề nao núng, sáng tạo dùng khăn nhúng nước đối phó với đạn hóa học của Mỹ. Sau mấy giờ bỏ bom bắn pháo, bọn lính Lữ đoàn “Rồng Xanh” lố nhố đeo mặt nạ phòng độc bò vào lấy xác đồng bọn. Bộ đội ta bất ngờ từ dưới gộp đá bật lên nổ súng, tung lựu đạn tiêu diệt hàng chục tên Nam Triều Tiên, thu được 20 chiếc mặt nạ phòng độc. Quân dân Hòa Xuân cùng với Đại đội 377 sử dụng ngay chiến lợi phẩm thu được của địch để dội bão lửa lên đầu địch.
Quân Mỹ tăng cường phi pháo chi viện cho lính Nam Triều Tiên hòng đánh bật Đại đội 377 ra khỏi Hóc Gạo. Bộ đội ta kiên cường phản kích, đánh bại hàng chục đợt tấn công của địch.
Chiến thắng Hóc Gạo, Hảo Sơn của quân dân Hòa Xuân và Đại đội địa phương 377 đã tiêu diệt một đại đội Nam Triều Tiên là chiến thắng đầu tiên của quân dân cả tỉnh giáng những đòn phủ đầu sấm sét vào lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Tầm vóc của chiến thắng đã làm nức lòng quân dân trong toàn xã và lan rộng trong huyện và tỉnh, củng cố thêm niềm tin và ý chí đánh thắng giặc Mỹ và bọn chư hầu xâm lược.
Địch lồng lộn xua quân càn quét vào căn cứ miền Đông, dùng máy bay trực thăng đổ quân xuống Hóc Chõ, Đồng Dói, Mũi Điện… đánh phá vùng giải phóng Hòa Xuân, Hòa Hiệp. Quân Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên bị quân ta chặn đánh ở Gò Dinh, Hang Vàng, đồng Bàu Le, đồng Sãi… diệt 16 tên, bắn rơi một máy bay trực thăng.
Bị đòn đau, quân Mỹ và lính Nam Triều Tiên gây ra những tội ác man rợ, thảm sát thường dân để trả thù. Ngày 2/1/1966, một ngày sau trận thất bại ở Đá Lợp Hòa Xuân, địch hèn hạ gây ra vụ thảm sát tại Vũng Tàu (Hòa Hiệp). Chúng xả súng bắn chết cụ Đào Khánh cùng 37 phụ nữ và trẻ em. Chị Lương Thị Phơi bụng mang dạ chửa là người độc nhất còn sống sót (bị địch bắn gãy chân) nhờ xác người che lấp. Quá hãi hùng trước tội ác dã man của giặc, chị sinh non ngay trên vũng máu của bản thân và dân làng, đứa con chị cất tiếng khóc chào đời giữa những xác người vô tội, chỉ sống được vài giờ.
Tại xóm Mới (thôn Phước Giang), địch giết hàng chục em bé dưới 4 tuổi. Lính đánh thuê Nam Triều Tiên giết người mẹ, giật trẻ em khỏi vú mẹ, xé làm đôi ném vào lửa. Bọn chúng thay phiên nhau hiếp dâm cả người già và trẻ em, gây ra những tội ác man rợ trời không dung, đất không tha đối với đồng bào Hòa Xuân và các xã Hòa Vinh, Hòa Hiệp.
Cay cú trước những thất bại nặng nề ở Hòa Xuân, mờ sáng 19/1/1966 (28 tháng Chạp năm Ất Tỵ) quân Mỹ ồ ạt tung lực lượng tổ chức cuộc phản công chiến lược mùa khô trên chiến trường trọng điểm Tuy Hòa 1.
Địch tung vào cuộc hành quân này là Lữ đoàn 1 Sư đoàn 101 Mỹ, Lữ đoàn lính thủy đánh bộ “Rồng Xanh” Nam Triều Tiên, Trung đoàn Bộ binh 47 ngụy. Kế hoạch của địch là tiến quân 2 cánh thành 2 gọng kìm hòng kẹp chặt bộ đội và du kích Tuy Hòa vào giữa đồng bằng Tuy Hòa để tiêu diệt. Ở hướng đông dọc quốc lộ 1, Lữ đoàn “Rồng Xanh” chia thành nhiều cánh, tấn công lên phía tây. Địch dùng trực thăng vận chuyển đổ quân Lữ đoàn dù 1 Mỹ dọc ven núi các xã phía tây Tuy Hòa tấn công xuống. Với lực lượng địch tập trung hơn một sư đoàn càn quét vào một huyện đồng bằng rộng lớn với sự chi viện rất mạnh của không quân (B52) và pháo binh, địch hí hửng cho rằng sẽ tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng tại Tuy Hòa 1. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng khốc liệt. Bộ đội và du kích huyện Tuy Hòa dũng cảm kiên cường, giáng cho địch những tổn thất nặng nề.
Trong cuộc hành quân này, giặc Mỹ và chư hầu đã bộc lộ sự dã man cùng cực, gây ra những tội ác man rợ trời không dung đất không tha. Chúng đã thẳng tay sát hại 1.653 đồng bào vô tội, trong đó phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em. Chúng hủy diệt nhà cửa, hoa màu, giết trâu bò, cướp bóc lúa gạo… nhằm dồn dân vào vùng chúng kiểm soát. Sau trận càn quét quy mô của địch, nhiều thôn xóm Hòa Xuân trở thành vùng trắng như Phước Giang, Lạc Long, Mỹ Khê, Đồng Nẩy, Hóc Trùm, Hóc Gạo, Hóc Cau. Chi bộ Đảng đông Hòa Xuân đứt liên lạc với cấp trên. Một số cán bộ chủ chốt dao động đổi vùng làm ăn. Những đảng viên trung kiên như: Trần Khe (Năm Giang), Trần Tạo, Lê Đức Quý, Nguyễn Trưởng, Võ Thế, Trình Kim Ân bắt liên lạc với Chi bộ tây Hòa Xuân tiếp tục hoạt động.
Để phục vụ cho nhiệm vụ chiến lược của chúng, từ năm 1966 Mỹ ngụy xây dựng căn cứ liên hợp Vũng Rô, Đông Tác, biến Vũng Rô thành bến cảng quân sự có đường ô tô nối liền với quốc lộ 1 và đường ống dẫn dầu từ Vũng Rô xuyên qua Hòa Xuân để tiếp dầu cho sân bay Đông Tác.
Tình hình Hòa Xuân rất khó khăn. Tháng 8/1966, Huyện ủy cử đồng chí Trần Quang Hiệu về Hòa Xuân phổ biến nghị quyết của Huyện ủy và chủ trương của huyện về việc khôi phục phong trào xã Hòa Xuân vững mạnh. Đồng chí Phạm Lang - chiến sĩ giao liên đưa đồng chí Trần Quang Hiệu đến Hóc Cau thì bị địch phục kích. Đồng chí Phạm Lang hy sinh. Đồng chí Trần Quang Hiệu thoát lên núi, chiều hôm sau mới đến Hóc Gạo, căn cứ tây Hòa Xuân. Đồng chí Trần Quang Hiệu phổ biến nghị quyết và chủ trương của Huyện ủy đối phó với âm mưu phục kích của bọn lính Nam Triều Tiên. Đồng thời tập trung ổn định tư tưởng, củng cố tổ chức phân công cán bộ bám sâu vào quần chúng các thôn, xây dựng cơ sở vững chắc. Ngày 12/8/1966, đồng chí Nguyễn Triết, Bí thư chi bộ xã hy sinh. Đồng chí Huỳnh Khảm (Huỳnh Tố) được cử làm Bí thư chi bộ.
Tháng 10/1966, Huyện ủy Tuy Hòa đã điều về Hòa Xuân Đại đội Đặc công 201 phối hợp cùng quân dân Hòa Xuân, Hòa Hiệp đánh phá căn cứ liên hiệp Vũng Rô - Đông Tác. Quân dân Hòa Xuân đã tổ chức tấn công nhiều lần phá hủy đường ống dẫn dầu, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Có trận, xăng dầu chảy lai láng đọng thành hồ ở Hảo Sơn.
Trước sự leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước quyết tâm chống Mỹ cứu nước. Lời kêu gọi của Bác Hồ là lời hịch thiêng liêng của Tổ quốc, có sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sau lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, tháng 10/1966, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa lần thứ 4 họp tại trại Dầu Dốc Tháp, thôn Mỹ Điền, xã Hòa Thịnh. Đại hội nhất trí phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp hai chân ba mũi giáp công, chống chiến tranh tâm lý chiêu hồi, chiêu hàng của địch. Vận động nhân dân về làng cũ xây dựng thế hợp pháp, đẩy mạnh công tác diệt ác phá kèm, phát triển cơ sở tiến tới xây dựng căn cứ lõm, phát triển sản xuất, củng cố lực lượng vũ trang và đội công tác chống càn quét, phục lót của địch, bảo vệ hành lang và vùng căn cứ.
Để đối phó với âm mưu địch dồn dân vào các khu dồn, các trại tập trung để “tát nước bắt cá” hòng đánh bật lực lượng ta bám rễ trong dân ở đồng bằng, Phân khu Nam (Quân khu 5) chuyển Tiểu đoàn 14 bộ binh của Phân khu Nam thành tiểu đoàn đặc công chuyên đánh phá các mục tiêu cảng Vũng Rô và sân bay Đông Tác. Tỉnh đội Phú Yên thành lập Đại đội Đặc công 201 tăng cường cho huyện Tuy Hòa và Đại đội Công binh huyện K65 chuyên đánh giao thông trên đèo Cả.
Chiến dịch “tìm diệt và bình định” của địch trong mùa khô lần thứ nhất năm 1966 bị thất bại