• :
  • :
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM BẾN VŨNG RÔ TIẾP NHẬN CHUYẾN HÀNG ĐẦU TIÊN CỦA TÀU KHÔNG SỐ (28/11/1964 - 28/11/2024)!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hòa Xuân sau Hiệp định Giơ-ne-vơ

Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Hòa Xuân đã hy sinh biết bao xương máu để giữ vững vị trí lũy thép của tuyến đầu chống Pháp. Hàng loạt trận tập kích hào hùng của quân dân Hòa Xuân đã buộc giặc Pháp phải co cụm tại núi Hiềm. Sau 4 năm tạm chiến, giặc Pháp không chịu nổi những đòn tấn công sấm sét của quân dân ta, đã phải tháo chạy tán loạn khỏi núi Hiềm ngày 5/12/1950.

Sau 4 năm giải phóng, Hòa Xuân đã sát cánh cùng quân dân cả tỉnh bẻ gãy chiến dịch Át-lăng, đập tan âm mưu của địch đánh phá vùng tự do Liên khu 5. Thế mà từ đỉnh cao của chiến thắng, ta vẫn phải tạm bàn giao lãnh thổ cho địch theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, nên cán bộ, đảng viên và nhân dân đều lo lắng, buồn bã.
 
Củng cố tổ chức, chờ tổng tuyển cử
 
Đầu tháng 8/1954, đồng chí Lê Đài, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Văn Gói, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa về truyền đạt tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ cho cán bộ lãnh đạo các xã trong huyện.
 
Ngày 19/8/1954, Đảng bộ, Ủy ban kháng chiến hành chính và Mặt trận xã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân trường học thôn Phước Giang do đồng chí Đặng Văn Hà chủ trì để kỷ niệm lần thứ 9 Cách mạng Tháng Tám, chào mừng kháng chiến thắng lợi, đồng thời phổ biến thư của Bác Hồ gửi đồng bào miền Nam và thư của Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ kêu gọi đồng bào đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân tộc dân chủ trong cả nước.
 
Sau cuộc mít tinh, các tổ Đảng và đoàn thể quần chúng tổ chức học tập quán triệt những nhiệm vụ cụ thể buộc địch phải thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bàn việc tổ chức củng cố các cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng trong tình hình mới, bí mật lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch. Huyện ủy phân công đồng chí Đặng Văn Cang ở lại phụ trách căn cứ miền Đông.
 
Đồng chí Đặng Văn Cang cùng đồng chí Bùi Cương và Đặng Văn Hà cùng bàn bạc sắp xếp tổ chức hoạt động trong tình hình mới, tổ chức ở từng thôn. Đồng chí Đặng Văn Hà được phân công làm Bí thư Ban cán sự thôn Phước Lạc, xây dựng một tổ trung kiên 3 người gồm đồng chí Trần Khe (tổ trưởng), Nguyễn Hế và Nguyễn Thành.
 
Các tổ chức quần chúng tập hợp thành các tổ mai táng, đội bóng chuyền, vần đổi công… hoạt động hợp pháp. Tổ chức cơ sở bí mật xã Hòa Xuân gồm 5 đồng chí: Đặng Văn Cang, Đặng Văn Hà, Bùi Cương, Nguyễn Thức, Nguyễn Trúng chọn căn cứ mới ở Bàu Le. 5 đồng chí khẩn trương tiếp nhận 5 tấn lúa tồn kho ở Phú Hữu, Hòa Thịnh (được huyện phân phối) để gửi trong dân và 5 chiếc ghe ở Bãi Xép, gửi dân 4 chiếc, đồng chí Đặng Văn Hà giữ một chiếc để đưa đón cán bộ.
 
Chấp hành mệnh lệnh của Đảng, Đảng bộ Hòa Xuân chọn ra các tổ chức Đảng và ban cán sự Đảng bí mật phù hợp với từng thôn để vận động quần chúng đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đợi 2 năm tổng tuyển cử. Tổ chức Đảng bí mật lúc đóng ở Mũi Điện, lúc ở Bãi Xép. Tại Bãi Xép, bọn dân vệ của địch vây bắt các đồng chí Nguyễn Trúng, Nguyễn Thức giải về thôn Lạc Long. Tuy có tổn thất ban đầu, nhưng phong trào Hòa Xuân vẫn giữ vững.
 
Đảng bộ Hòa Xuân đã lãnh đạo nhân dân bất hợp tác với địch, chống khủng bố trả thù, chống cướp phá tài sản của dân. Đồng thời tổ chức đường dây liên lạc giữa các tổ Đảng ở các thôn lên xã và cấp trên thông qua các hộp thư mật và quần chúng hợp pháp. Ban cán sự Đảng bí mật móc nối đồng chí Đặng Văn Hải vận động nhân dân tiếp tế cho các đồng chí hoạt động bí mật.
 
Nhìn chung, trước khi địch tiếp quản, Đảng bộ Hòa Xuân đã kịp thời củng cố tổ chức, nắm được quần chúng, ổn định tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân giữ vững lòng tin Đảng, tin Bác Hồ, tin vào giá trị pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ để chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
 
Càng bị khủng bố, càng hướng về cách mạng
 
Cuối tháng 8/1954, được đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp hà hơi tiếp sức, bọn ngụy quân, ngụy quyền và bọn phục thù giai cấp bộc lộ bản chất hiếu chiến tàn bạo, hung hăng lùng sục cướp phá khủng bố để trả thù những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước.
 
Tên thiếu úy Mỹ phụ trách đại đội ngụy tại Hảo Sơn đã bắt các đồng chí Đỗ Thơm, Nguyễn Thị Hương, Châu Thượng, Lê Mẹo giam tại ga Hảo Sơn, sau đó chuyển sang giam tại nhà lao Ngọc Lãng. Địch tiếp tục lùng bắt các đồng chí Nguyễn Hạo, Thường, Nhơn, Phó, Chuyên, Trạch, Hộ, Chu.
 
Tháng 9/1954, tên đại úy ngụy Huỳnh Văn Cao dẫn đầu đoàn hành chính lưu động của ngụy đóng tại Bàn Thạch để tiếp quản xã Hòa Xuân. Bọn hành chính lưu động cố sức tạo ra hội đồng hương chính xã, dựng Lê Hoàng làm đại diện xã. Trong nội bộ hội đồng hương chính xã cũng chia 2 phe.
 
Các tên Huỳnh Đơn, Lê Ngá, Võ Thào là mật vụ đặc biệt thuộc đảng phản động Cần lao nhân vị ôm chân Mỹ. Sau đó chúng cử hội đồng hương chính mới gồm Đinh Lượng đại diện xã; Nguyễn Đình Trọng, Trương Minh Bưu (Đại Việt) thư ký. Chúng xây dựng chính quyền đến cấp thôn.
 
Bọn phản động Đại Việt ra sức phục thù giai cấp, chúng hô hào “Nam diệt Ngô, Bắc diệt Hồ”. Đúng như nhận định của Nghị quyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 9/1954: “Âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ ở nước ta là thông qua tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân ta, chia cắt đất nước làm đôi, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của chúng, làm bàn đạp tấn công xâm lược miền Bắc, biến nước ta thành một tiền đồn chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á”.
 
Ngay những ngày đầu tiếp quản chính quyền, bọn ngụy quân ngụy quyền tay sai dù thân Pháp hay thân Mỹ đều bộc lộ sự phản động điên cuồng đàn áp và trả thù hèn hạ trước những người kháng chiến và quần chúng yêu nước.

 

                                                                                              Ảnh: Anh hùng liệt sĩ Đỗ Như Dạy.

Chúng ra sức truy nã các đảng viên cộng sản bằng những thủ đoạn dã man, thâm độc, bọn hành chính lưu động đi đến đâu cũng bắt người tra tấn dã man. Ngay vừa lúc tiếp quản, địch lùng bắt đồng chí Đỗ Như Dạy và bí mật thủ tiêu. Đồng chí Đỗ Như Dạy, Đội trưởng Đội công an xung phong, Trưởng Ban Công an huyện Tuy Hòa trong kháng chiến chống Pháp là liệt sĩ ngã xuống đầu tiên tại quê hương Hòa Xuân sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ông Cao Tần (tức Cao Đổng) là dân thường cũng bị chúng bắt về đình Bàn Thạch tra tấn chết đi sống lại.
 
Chúng còn khủng bố đồng chí Trần Dinh (Tổ trưởng Đảng thôn Bàn Thạch) khám nhà thu được danh sách đảng viên. Địch bắt giam và tra tấn rất nhiều đảng viên ở lẫm Bàn Thạch. Bọn chúng bắt các anh Phạm Văn Sang, Phạm Xi phải lo lót tiền của cho chúng. Đó là âm mưu rất thâm độc vì ai lo lót tiền cho chúng thì chẳng khác nào tự nhận mình là cộng sản.
 
Các đồng chí Võ Khâm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã và Phan Tiên Chu bị chúng bí mật đưa đi thủ tiêu. Ngoài đồng chí Đỗ Như Dạy bị địch giết lúc mới tiếp quản, bọn phục thù giai cấp Đại Việt tiếp tục tàn sát các đồng chí Hồ Vĩnh, Nguyễn Đài, Võ Tùng Thanh, Đặng Ngưu, Phan Đặng, Phan Trâu, Nguyễn Tài, Trần Trọng Bình…
 
Bọn địch đã giở mọi thủ đoạn man rợ nhằm vào cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên trong kháng chiến. Chúng đã chia cán bộ, đảng viên ra làm 3 loại: Loại 1 - vây bắt thủ tiêu ngay; loại 2 - vây bắt đánh đập tra tấn giam cầm; loại 3 - hù dọa khống chế. Đồng chí Võ Tấn Long sau khi bị địch bắt đã lừa địch xuống Bãi Xép trốn thoát và sau đó đổi vùng tìm cách liên lạc với Đảng để hoạt động.
 
Các đồng chí Nguyễn Phụng, Nguyễn Kinh (Nguyễn Mười), Phan Tiên Nam, Nguyễn Cảnh, Đỗ Bút, Trần Ngọc Huê phải đổi vùng vào Nam Bộ hoạt động. Các đồng chí vào Khánh Hòa như Ngô Công Duy, Ngô Công Tú, Lưu Tấn Huê, Ngô Công Chí, Lê Tấn, Phạm Sum, Nguyễn Mã, Nguyễn Đại, Nguyễn Huân, Lê Xuân Thiên, Nguyễn Phong, Lê Phước Thuận bị địch bắt ở Nha Trang và đày ra Côn Đảo. Các đồng chí Trình Kim Ân, Lưu Nghiệp, Trần Quang Chiêu đổi vùng vào Bình Thuận.
 
Riêng đồng chí Trần Quang Chiêu bị bắt ở Phan Thiết, chúng đưa về lại Phú Yên tra tấn và giam tại nhà lao Ngọc Lãng, sau chuyển sang nhà lao Khu Chiến. Đầu năm 1955, địch vây bắt đồng chí Đặng Văn Cang và lần lượt vây bắt đồng chí Bùi Cương, Đặng Văn Hà giam ở nhà lao Ngọc Lãng 1 tuần rồi chuyển sang giam ở Ty Công an.
 
Đồng chí Đặng Văn Cang được ra tù sớm, bí mật tìm đường ra vùng tập kết quy định 300 ngày ở Quy Nhơn và được tổ chức Đảng phân công ở lại hoạt động tại căn cứ miền Đông huyện Tuy Hòa. Năm 1957, đồng chí Đặng Văn Cang bị địch bắt lại. Ngày 20/6/1956, đồng chí Võ Công Khải cùng ba đồng chí: Trình Kim An, Huỳnh Xíu, Nguyễn Kỳ Tây bị địch vây bắt tại mật khu Hóc Lựu núi Sông Tra, thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân.
 
Đồng chí Nguyễn Xíu bị địch bắn gãy chân. Đồng chí Nguyễn Kỳ Tây bị địch tra tấn đến chết tại xà lim Ty Cảnh sát ngụy Phú Yên. Cuối năm 1956, đồng chí Võ Công Khải bị đày đi Côn Đảo. Đồng chí Nguyễn Khâm may mắn chưa bị bắt, đã cải trang đến nhà lao Ngọc Lãng tìm cách móc nối với các đồng chí Văn Gói, Huỳnh Ngọc Anh, Bùi Cương.
 
Riêng phong trào thanh niên của xã, sau khi địch bắt giam đồng chí Huỳnh Bá Long (Bàn Thạch), Bùi Duy Bằng (Bàn Nham) và nhiều đồng chí khác ở các thôn, phong trào thanh niên hầu như tan rã trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Cả xã Hòa Xuân chìm trong đau thương tang tóc.
 
Các đồng chí đảng viên trung kiên bị thủ tiêu, tù đày. Số đồng chí còn lại phải chuyển vùng hoạt động, một số nằm im sau này tìm cách liên lạc với Đảng tiếp tục hoạt động. Cụ Nguyễn Lân bị giặc lùng bắt tại nhà và giam tại chi khu Hiếu Xương. Trong tù cụ ngâm thơ Kiều:
 
Rồi đây mới biết anh hùng
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi

 
Kẻ thù trả thù hèn hạ, thủ tiêu cụ Lân trong trại giam. Cái chết oanh liệt của một cụ già yêu nước 71 tuổi đã gây nên sự xúc động sâu rộng trong toàn xã.
 
Ngoài ra, bọn địch ra sức tiêu diệt những thành quả cách mạng trong kháng chiến, chúng tập trung cán bộ, đảng viên bắt làm tờ “Thành khẩn ly khai, quy thuận quốc”. Chúng bắt cha mẹ, vợ con những gia đình có người tập kết phải làm giấy từ con, bỏ chồng. Chúng truy tìm các kho quỹ trong kháng chiến, thu hồi ruộng đất và truy tô tức của nông dân mà cách mạng đã thực hiện chính sách ruộng đất, cấp phát cho bà con trong kháng chiến chống Pháp. Nhân dân đi lại ban đêm phải cầm đèn, ai tụ tập hai người trở lên nói chuyện thì bị quy là cộng sản.
 
Mỹ - ngụy đã giở những thủ đoạn xấu xa bẩn thỉu nhất, gây những tội ác dã man nhất hòng tiêu diệt những người cộng sản và quần chúng yêu nước. Song, chúng đã lầm, càng bị khủng bố, kìm kẹp, nhân dân Hòa Xuân càng hướng về cách mạng

 


Nguồn:baophuyen.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Giới thiệu chung
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 12
Hôm qua : 19
Tháng 12 : 338
Năm 2024 : 7.040
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội