Hòa Xuân năm 1961-1962
Ngày 20/4/1961, đồng chí Nguyễn Duy Luân (Chín Cao), Phó Bí thư Huyện ủy về Hóc Môn (Nam Bình) công bố quyết định của Huyện ủy Tuy Hòa về việc thành lập Chi bộ Hòa Xuân và cử cấp ủy chính thức đầu tiên gồm các đồng chí Đỗ Thơm, Châu Thượng (Nam Bình), Nguyễn Thị Hương (Thạch Chẩm), Trần Khe (Phước Giang), Trần Tạo (Mỹ Khê) do đồng chí Đỗ Thơm làm Bí thư, đồng chí Lưu Bình được cử làm Xã đội trưởng.
Chi bộ xã nhận định: Tuy địch lỏng kèm trước khí thế tấn công của ta, nhất là ta diệt ác trúng địch, nhưng chúng không thể bỏ Bàn Nham, Bàn Thạch, vì như vậy chúng sẽ mất quận, mất tỉnh. Sự phản kích ác liệt của địch là điều tất yếu. Ta tranh thủ thời cơ xây dựng lực lượng hoạt động, trước mắt và lâu dài. Giữa năm 1961, Mỹ - Diệm thực hiện quốc sách “ấp chiến lược”. Đây là xương sống của kế hoạch “Xta-lây Tay-lơ”, là sự thành bại của chiến tranh đặc biệt.
Thực hiện kế hoạch này, bọn địch ở Hòa Xuân bắt dân lên núi lấy cây rào ấp chiến lược. Đối phó với âm mưu địch, Chi bộ Hòa Xuân tích cực triển khai nghị quyết của Huyện ủy Tuy Hòa kiên quyết phá thế kìm kẹp ở đồng bằng, phát động và tổ chức quần chúng đưa phong trào đồng bằng tiến lên. Giành lại đồng bằng là một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn. Chi bộ phân công đảng viên gặp dân tố cáo âm mưu nham hiểm của kẻ thù nhằm tách cá ra khỏi nước, tách cán bộ cách mạng ra khỏi dân, kêu gọi nhân dân phá tan âm mưu của chúng bằng cách làm lấy lệ, rê ra kéo dài. Dân không chịu chặt cây trên núi, chúng buộc phải chặt tre ở làng để xây dựng ấp chiến lược. Địch ra sức xây dựng thí điểm ấp chiến lược Nam Bình. Chi bộ kịp thời lãnh đạo nhân dân Nam Bình không chặt tre. Địch cay cú đưa giáo dân từ nhà thờ Đông Mỹ (xã Hòa Vinh) vào chặt, ta bố trí lực lượng tuyên truyền bà con giáo dân. Những người ngoan cố ta bắn chỉ thiên cảnh cáo. Song, cũng có những tên liều mạng, ta buộc phải bắn chết một tên hăng hái nhất, phá tan âm mưu chặt tre rào ấp chiến lược. Bà con có cớ không làm bỏ về.
Địch tiếp tục hăm dọa, đàn áp buộc phải xây dựng ấp chiến lược Nam Bình (hai sông ba núi). “Ấp chiến lược” thực chất là nhà tù trá hình. Việc làm của địch gây cho nhân dân rất nhiều khó khăn. Dân phải ở trong làng, sáng đi làm phải ra một cửa duy nhất theo đúng giờ giấc quy định của bọn địch. Ban đêm đi đâu phải xách đèn, mặc áo trắng. Địch tập trung lương thực cấp phát từng người rất gắt gao. Dưới họng súng và lưỡi lê, địch cũng thực hiện được việc lập ấp chiến lược trong toàn xã. Một chừng mực nào đó, địch đã thực hiện được âm mưu dồn dân, lấn đất, đánh phá được phong trào ở vùng ta mới mở ra, củng cố và ổn định vùng chúng kiểm soát, gầy dựng và củng cố tinh thần ngụy quân ngụy quyền ở cơ sở.
Đi đôi với việc lập ấp chiến lược, địch thường xuyên liên tiếp mở những cuộc càn quét vào vùng giải phóng Phước Giang, bắn chết hàng ngàn trâu bò ở Bãi Xép, lùa trên 20 con về thị xã, cấm nhân dân không được vào núi. Bà con Phước Giang kiên cường bám trụ nhưng vẫn giữ được thế hợp pháp. Ngụy quyền cố xúc dân ra khỏi vùng giải phóng. Nhưng nhân dân Phước Giang đã đấu tranh trực diện với địch không được bắt dân, không được bắn pháo xuống làng. Các chị, các mẹ thay phiên nhau lên tận tỉnh đường, ăn ở tại chỗ, đấu tranh ròng rã hai năm trời buộc Tỉnh trưởng ngụy quyền phải trả lại toàn bộ trâu bò và thừa nhận sự làm ăn sinh sống bình thường của thôn Phước Giang.
Nhằm phá tan âm mưu của địch, quán triệt chủ trương của tỉnh và huyện, Chi bộ Hòa Xuân tuy gặp nhiều khó khăn nhưng quyết tâm bám đất bám làng tìm cách phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch.
Cuối năm 1961, lực lượng vũ trang của xã có một tiểu đội, trang bị bằng ná tẩm thuốc độc. Tiểu đội vũ trang của xã đã vào Hảo Sơn đốt cầu Sông Mới. Du kích mật phân công bám đường số 1. Do cầu Sông Mới bị đốt, một chiếc xe jeep Mỹ phải dừng lại. Nữ du kích mật Phạm Thị Giỏi mưu trí lừa lính Mỹ vào xóm và báo cho lực lượng vũ trang của xã bắt sống đưa về Hóc Gạo khai thác. Hòa Xuân là một trong những nơi bắt sống lính Mỹ đầu tiên ở miền Nam.
Du kích Hòa Xuân phối hợp với bộ đội tỉnh đã đánh giao thông diệt đoàn xe chở bạc ở đèo Cả, phá hủy 13 xe quân sự, thu một đại liên và trên 20 súng các loại. Sau đó chặn đánh tan tác trung đội bảo an xuống Gò Chày (Mỹ Khê) cướp lúa dân; bắt sống nhiều tên địch, trong đó có tên Trạc - trung đội trưởng chỉ huy.
Đặc biệt, đêm 11 rạng ngày 12/10/1961, trận phục kích đoàn tàu lửa quân sự địch tại cầu Hóc Mít của du kích Hòa Xuân là một trong những trận đánh tiêu biểu của bản hùng ca chống Mỹ của quân dân Phú Yên.
Cầu Hóc Mít nằm trên đoạn đường sắt Tuy Hòa - Nha Trang cách ga Hảo Sơn 3km về phía bắc. Phía nam giáp cầu Hảo Sơn nằm trên tuyến quốc lộ 1. Phía bắc giáp cầu So Đũa, thôn Mỹ Khê. Phía đông giáp núi Hòn Bà. Phía tây giáp đồng ruộng nước. Địa hình khu vực cầu Hóc Mít hiểm trở, một bên là đồng ruộng lầy lội, một bên là núi đá liên hoàn xen kẽ cây cối, hang động, gộp đá nối liền đến Vũng Rô.
Trên tuyến giao thông, địch chú ý đến quốc lộ 1. Địch tổ chức tuần tra nghiêm ngặt, nhất là ở những cung đoạn xa đồn bót để bảo vệ cho việc vận chuyển lực lượng, vũ khí trang bị được an toàn. Còn tuyến đường sắt, chúng có sơ hở chủ quan, khi nào có tàu vận chuyển hàng quân sự, địch mới tổ chức tuần đường rải quân chốt giữ ở một số nơi mà chúng nghi có du kích hoạt động. Qua theo dõi hoạt động của địch trên đoạn đường sắt từ nam cầu So Đũa đến Hóc Mít, Hảo Sơn địch không bảo vệ lùng sục kỹ. Ban đêm ta làm chủ tình hình trên đoạn đường này.
Thực hiện chủ trương cấp trên đánh phá giao thông 2 tuyến quốc lộ 1A và đường sắt nhằm cổ vũ phong trào diệt ác, phá kèm, quần chúng đấu tranh chống phá ấp chiến lược mở rộng vùng giải phóng. Xã Hòa Xuân quyết tâm đánh phá đoạn đường sắt từ ga Hảo Sơn đến cầu Lưới Gõ, đoạn quốc lộ 1 từ Hảo Sơn đến Phú Khê. Lực lượng tham gia đánh phá giao thông gồm cán bộ và du kích xã, nhân dân và du kích các thôn Phước Giang, Mỹ Khê, Xóm Mới và Xóm Quán Phú Khê. Trang bị vũ khí 1 súng trường 86-93, nỏ, các loại vũ khí tự tạo giả bằng gỗ như súng trường MAS, carbin; cờ lê, mỏ lết, xà beng, cuốc… Cờ lê, mỏ lết dùng để tháo rời các đinh ê cu nối 2 đầu đường ray, dùng xà beng nạy thanh tà vẹt cố định xích qua một bên, lực lượng ta phục kích phía núi gần đường. Cách đánh này có kết quả nhiều lần, nhiều đầu máy xe lửa và kéo theo 2-3 toa nhào xuống sình, về sau địch đối phó lại cách của ta, chúng đưa 4-5 toa trần đi trước, kế đến đầu máy và 1-2 toa lô cốt quân sự có súng đại liên nhưng tàu lửa liên tục bị lật đổ.
Để chặn tàu, ta đặt hạt nổ báo hiệu tàu dừng cách chỗ hạt nổ khoảng 100m, ta tháo tách ray để tàu khỏi chạy.Để vũ trang tuyên truyền, đánh tàu, lật nhào tàu, lúc ban đầu dụng cụ phá đường viên ray không có, ta phải tổ chức du kích 3 thôn Phước Giang, Mỹ Khê, Xóm Mới đột nhập vào thôn Thạch Tuân diệt ác phá kèm, vào ga Thạch Tuân để tuyên truyền vận động xếp ga và công nhân tại ga để lấy cờ lê, mỏ lết mở ray nhưng không có. Ta cho cán bộ hợp pháp chặn gác gi đoạn Hảo Sơn - Thạch Tuân tuyên truyền vận động. Anh Nguyễn Chánh làm nhiệm vụ gác gi (kiểm tra an toàn đường ray), người ở thôn Bàn Nham, gia đình có nhiều người thân tham gia cách mạng, được ta móc nối vận động, anh Chánh bí mật đưa cho ta bộ cờ lê mỏ lết, về sau ta cần nhiều bộ đưa về tỉnh, anh Chánh cũng gửi cho ta đủ số yêu cầu.
Ta vũ trang tuyên truyền thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Vào lúc 9 giờ ngày 11/10/1961, đoàn tàu hàng từ Nha Trang ra Tuy Hòa chạy vào trận địa phục kích của ta. Tàu đụng hạt nổ báo dừng, tàu chạy chậm và đến nơi ta tháo đường ray thì dừng lại. Các tổ chức chiến đấu theo nhiệm vụ phân công xung phong ra chiếm mặt đường, chiếm các toa tàu, lùng sục các tên lính ngụy lẩn trốn trong hành khách, bộ phận cán bộ và du kích đã tập hợp hàng trăm quần chúng đi trên tàu, cán bộ mặt trận xã tuyên truyền nói rõ chính sách của mặt trận; tố cáo tội ác của Mỹ-Diệm, đồng bào rất phấn khởi. Sau 30 phút làm nhiệm vụ, ta cho phép tàu chạy.
Sau khi tàu chạy, một bộ phận du kích Mỹ Khê, Xóm Mới được giao nhiệm vụ tháo ốc vít nhiều đoạn ray phía bắc cầu Hóc Mít. Đúng 1 giờ sáng 12/10, chuyến tàu quân sự từ hướng Tuy Hòa vào đến đoạn đường ta tháo ray ra khỏi vị trí cố định, tàu không kịp hãm, đầu máy và một số toa lật nhào đổ xuống lòng sông cầu Hóc Mít và các ruộng lầy lội, nhiều lính địch đi hộ tống bị chết, bị thương. Số còn lại ở các toa sau nhảy xuống tàu chiếm địa hình 2 bên đường nổ súng chống trả. Kết quả trận đánh: địch chết 15, lính bị thương 10. Trận vũ trang tuyên truyền ngày trước ta bắt sống 1 lính đi trên tàu khách, làm lật nhào 1 đầu máy, 5 toa, hỏng 1 đại liên. Tuyên truyền giáo dục hàng trăm đồng bào đi trên tàu khách, phá 200m đường sắt, giao thông đường sắt bị đình trệ.
Chiến công đánh địch lật nhào các đoàn tàu thể hiện được tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tự tạo vũ khí thô sơ nghi binh, làm cho địch tưởng súng thật, tưởng ta có nhiều lực lượng. Thắng lợi đánh lật nhào các đoàn tàu gây cho địch nhiều trở ngại lớn trong việc vận chuyển đường sắt và địch phải tung nhiều lực lượng phòng thủ ở đoạn đường này để đối phó với du kích Hòa Xuân.
Thắng lợi ngăn chặn giao thông đường sắt Hòa Xuân đã có tác động cổ vũ lớn lao đối với phong trào cách mạng Hòa Xuân, cụ thể là phong trào phá ấp, diệt kèm, lực lượng ta từng bước làm chủ các thôn trong xã, đẩy bọn tề điệp ác ôn bám theo bọn ngụy quân tối ra cầu Bàn Thạch hoặc quận ngủ.
Trong năm 1962, huyện tăng cường cho Hòa Xuân một tiểu đội thuộc C377 phối hợp đánh giao thông, đánh trúng đoàn xe quận Khang (quận trưởng Hiếu Xương) giữa ban ngày. Tuy không diệt được quận trưởng nhưng ta đã bắn trúng xe, địch bỏ tại trận địa hai chiếc DOS, một chiếc xe Jeep. Ta thu nhiều quân trang quân dụng, bắt được một tù binh, diệt tại chỗ một số lính địch, thu 1 súng trường, 1 carbin.
Tháng 8/1962, một đại đội địch càn vào hóc Cối Xay, thôn Nam Bình, xã Hòa Xuân đã bị một tiểu đội du kích chặn đánh và đẩy lùi sau một giờ làm công tác binh vận. Bà con địa phương gọi chiến công đó là “một trận đánh không cần nổ súng”. Dọc đoạn quốc lộ 1 và đoạn đường sắt đèo Cả - Thạch Tuân, các đội nam, nữ du kích xã Hòa Xuân hoạt động liên tục, chặn đánh nhiều đoàn xe và đoàn tàu quân sự của địch.
Đầu tháng 11/1962, tại đèo Cả, du kích xã Hòa Xuân đã sáng tạo dũng cảm mưu trí lật nhào 4 toa tàu chở bọn sĩ quan và đón xe quân sự bắt một cố vấn người Philippines.
Đầu tháng 12/1962, một đội du kích chỉ có một súng trường, kết hợp mưu trí đánh lừa địch, chặn đứng một đoàn tàu quân sự. Ta giải thích cho binh lính sĩ quan quân ngụy trên tàu về chính sách đoàn kết dân tộc để chống Mỹ cứu nước của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đội du kích cho phép đoàn tàu tiếp tục chạy. Những chiến công đánh địch trên đường sắt, đường bộ đã làm cho ngụy quân ngụy quyền khiếp sợ kinh hoàng và càng làm ngời sáng chính nghĩa của cách mạng. Cuối năm 1962, du kích Hòa Xuân tổ chức phá đường sắt từ cầu Lưới Gõ đến ga Hảo Sơn, phá đường bộ ở cầu Sông Mới, Sông Tra, Sông Ván. Địch phải huy động hàng tiểu đoàn quân Cộng hòa có máy bay, pháo binh và cơ giới yểm trợ, rải quân từ đèo Cả ra đến Hòa Vinh để sửa chữa cầu đường. Có lúc địch phải chôn chân hai tiểu đoàn cơ động để đối phó với du kích xã Hòa Xuân nhằm bảo vệ tuyến đường sắt và quốc lộ 1.
Ảnh: Đồng chí Đỗ Thơm - Bí thư Chi bộ đầu tiên xã Hòa Xuân trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 4/1961)
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Hương - Chi ủy viên Chi bộ đầu tiên xã Hòa Xuân trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 4/1961)