Hướng đến quản lý khoáng sản chặt chẽ, hiệu quả
UBND tỉnh vừa ban hành các quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản (đất, đá, cát) trên địa bàn tỉnh. Số tiền các doanh nghiệp trúng đấu giá mỗi mỏ khoáng sản này phải nộp vào ngân sách tỉnh hàng tỉ đồng, cho thấy công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả kinh tế mang lại lớn hơn.
Đơn cử như giá trị tiền cấp quyền khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong thuộc dự án Xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 tại mỏ đất thôn Phú Ân, xã An Phú, TP Tuy Hòa hơn 1,3 tỉ đồng. Chỉ một mỏ đất này, tỉnh đã thu về trên tỉ đồng từ việc đấu giá. Trong khi những năm trước đây, doanh nghiệp chỉ việc nộp thuế tài nguyên và một số chi phí khác không đáng kể thì có thể khai thác khoáng sản bán cho đơn vị thi công các công trình xây dựng.
Việc tổ chức đấu giá khoáng sản được tỉnh tổ chức công khai rộng rãi nên nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh khác cũng trúng thầu, chứ không chỉ các doanh nghiệp trong tỉnh. Điều này chứng tỏ sự minh bạch của chính quyền trong việc đấu giá khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp nào đưa ra giá cao nhất là trúng, chứ không có chuyện ưu tiên.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về khoáng sản, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 5801-CV/VPTU ngày 12/9/2023 tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thường xuyên rà soát, tham mưu giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là trong việc thực hiện trình tự thủ tục thăm dò, cấp giấy phép khai thác khoáng sản và hoạt động quản lý sau cấp phép. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật và tình hình thực tiễn địa phương để cấp phép hoạt động khoáng sản, cung cấp nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản theo quy định, nhất là các trường hợp khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển khoáng sản không phép, trái phép, quá tải trọng theo quy định.
Đối với các địa phương, chủ tịch UBND cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài. Để không bị tỉnh phê bình, người đứng đầu các địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý khoáng sản; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị tỉnh, cử tri và người dân trong tỉnh kỳ vọng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh sẽ chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới tỉnh không chỉ tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ cát, đất, đá, mà tất cả những gì thuộc về tài nguyên quốc gia, tổ chức và cá nhân nào muốn khai thác cũng phải qua đấu giá công khai, minh bạch.