Những lợi ích của rơm rạ.
Rơm rạ là phụ phẩm chính trong sản xuất gạo lúa, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, tiềm năng kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ của bà con nông dân lại diễn ra, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Vì theo nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, tiêu diệt các loại côn trùng có ích, dẫn đến làm mất cân bằng hệ sinh thái bền vững trên ruộng lúa.
Thay vì đốt bỏ như trước đây, người trồng lúa giờ đây có thêm thu nhập từ rơm cuộn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, làm cho người nông dân phải sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch không những gây ra hậu quả như ô nhiễm không khí, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường, đốt rơm rạ thiếu kiểm soát cũng làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của nông dân lân cận các khu ruộng. Việc xử lý rơm rạ không đúng cách còn gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên vì theo Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa khoảng 5-8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg carbon; do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là chúng ta đã tự bỏ đi một lượng lớn phân bón, chất dinh dưỡng tự nhiên cần thiết cho cây lúa. Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo khối lượng khô gồm 60% xenluloza (cellulose), 14% linhin (lignin), 3,4% đạm hữu cơ (protein), 1,9% chất béo (lipid). Nếu tính theo nguyên tố thì Cacbon (C) chiếm 44%, Hyđrô (H) chiếm 5%, Oxy (O) chiếm 49%, Ni tơ chiếm khoảng 0,92%, một lượng rất nhỏ Phốtpho (P), Lưu huỳnh (S) và Kali (K).
Khi đốt rơm rạ lượng C, H, O biến hết thành các khí CO2, CO và hơi nước. Protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… bay lên. Trong tro chỉ còn lại ít P, K, Ca và Si… nghĩa là giá trị về mặt khoáng chất, chất hữu cơ không còn nhiều. Tạo ra hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1 ha (trung bình 8 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2, 798 kg khí CO, 398 kg các chất hữu cơ độc hại và 12 kg tro bụi.
Đốt rơm, ra sau khi thu hoạch gây ô nhiễm môi trường
Ngày 09/5/2025, UBND thị xã Đông Hòa đã có văn bản số 2540/UBND-NNMT về việc tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ gửi các địa phương trên toàn thị xã. Theo đó UBND thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường trên địa bàn mình quản lý thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên đốt rơm rạ sau thu hoạch; thông tin về tác hại của việc đốt rơm rạ không đúng quy định ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường; lửa từ các đống rơm rạ còn có thể dẫn đến nguy cơ cháy lan ra những đám ruộng chưa thu hoạch, gây tai nạn giao thông do khói bụi che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông,…Đồng thời, có biện pháp xử lý các trường hợp cố ý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật... Để tránh tình trạng bà con nông dân vi phạm những quy định của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính do đốt rơm rạ.
UBND phường Hòa Xuân Tây thông tin về các quy định xử phạt hành chính của Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực.
+ Khi đó, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt lên đến 3.000.000 đồng. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 45/2022/NĐ-CP phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT thì phụ phẩm cây trồng được định nghĩa là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác cây trồng.
Như vậy, hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm cây trồng như rơm rạ, cây cối gần đường giao thông chính có thể bị phạt đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi. Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Ngoài ra, hành vi đốt rơm rạ gây cháy lớn không kiểm soát được, ảnh hưởng đến tài sản, con người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Rơm rạ có rất nhiều lợi ích và điều quan trọng là chúng ta sử dụng cách nào để phát huy hết hiệu quả của nó đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng./.