Sập bẫy tín dụng đen (kỳ 1)
Thời gian qua, để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tìm đến các tổ chức, cá nhân chuyên cho vay lãi nặng. Mặc dù biết việc “bốc nóng” phải trả lãi đắt gấp nhiều lần nhưng họ không ngờ có ngày phải tán gia bại sản, bán nhà trả nợ vẫn chưa xong.
Một nạn nhân kể lại sự việc mình bị các đối tượng cho vay lãi nặng đe dọa. Ảnh: PV
Kỳ 1: Vay 5 triệu đồng, trả tiền tỉ chưa xong
Chỉ với 5 triệu đồng vay nợ ban đầu, các đối tượng cho vay lãi nặng đã kéo nạn nhân L.T.K.H (TP Tuy Hòa) rơi vào một cơn ác mộng.
Từ số tiền lãi mỗi ngày phải đóng cho chủ nợ khoảng vài trăm ngàn đồng, chẳng bao lâu sau, gia đình chị L.T.K.H đã phải bán nhà trả nợ với số tiền lên đến cả tỉ đồng.
Nợ chồng nợ
Hơn 4 giờ sáng, cùng đứa con còn ẵm ngửa trên tay, chị L.T.K.H trở về quê sau nhiều ngày tha hương. Không còn nhà, chị cũng không dám đến ở nhà người quen mà phải thuê phòng trọ trú tạm. “Nếu bọn họ biết mẹ con tôi về quê, chúng tôi chắc không sống nổi”, chị H nói trong sợ hãi.
Chị H kể: Cách đây 1 năm, trong lúc túng quẫn, được người quen giới thiệu, tôi liên hệ với họ vay 5 triệu đồng, góp trong vòng 21 ngày, mỗi ngày đóng 300.000 đồng. Họ lấy tiền phí 10% là 500.000 đồng, trừ tiền ngày đầu và ngày cuối là 600.000 đồng, nên thực nhận chỉ 3,9 triệu đồng. Tôi đóng được vài ngày thì không có tiền đóng tiếp nên vay lại 5 triệu đồng. Nợ mới họ cũng trừ phí, trừ ngày đầu và ngày cuối, rồi trừ cả nợ cũ chưa trả nên thực nhận không còn bao nhiêu. Cứ thế, trong vòng 6 tháng, họ tính số nợ của tôi lên hơn 1 tỉ đồng.
Các đối tượng photocopy hình nạn nhân rồi dán khắp nơi để bêu xấu. Ảnh: PV |
Nhưng bi kịch chỉ mới bắt đầu.
Khi thấy chị L.T.K.H bị các đối tượng đòi nợ kéo đến đe dọa tính mạng, mẹ ruột và em gái nạn nhân là chị L.T.B.Q (TP Tuy Hòa) lần lượt tìm đến các đối tượng cho vay lãi nặng để thay chị tiếp tục trả nợ.
Chị L.T.B.Q cho hay: Ban đầu, mẹ tôi “bốc họ” để giúp chị tôi trả nợ. Sau đó, mẹ và chị không xoay được nữa, tôi thương mẹ thương chị nên đứng ra vay nóng 20 triệu đồng để trả cho mẹ và chị. Họ cũng tính phí 10%, rồi trừ ngày đầu ngày cuối mỗi ngày 1,2 triệu đồng nên tôi thực nhận có 15,6 triệu đồng. Gói vay 21 ngày, tôi góp được 5, 6 ngày thì không có khả năng đóng nữa, gọi điện xin hoãn vài ngày thì họ không chịu. Họ kéo cả chục người xăm trổ đầy mình tới nhà hăm dọa. Cứ thế, bao nhiêu tiền làm ra, chúng tôi đều đóng hết cho chủ nợ nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, nợ cứ chất chồng chứ không hề vơi đi.
Theo chị Q, từ sau khi vay nóng, cả nhà chị không lúc nào được sống yên. Ngày chị Q cưới chồng, các đối tượng cho vay lãi nặng cũng kéo tới nhà chồng uy hiếp, đòi nợ. “Do dính vô mấy người đó nên gia đình tôi phải bán nhà được hơn 1,3 tỉ đồng để trả nhưng vẫn không đủ. Giờ ba tôi phải ở nhờ nhà người này người kia, mẹ tôi và chị tôi cũng phải trốn đi nơi khác sinh sống”, chị Q nói trong nước mắt.
Vướng vào tín dụng đen, không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng lao đao. Chị N.T.D ở TX Đông Hòa cho hay: Vợ chồng tôi làm chủ một doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời điểm thiếu vốn, không xoay ở đâu được, chúng tôi đành vay nóng 100 triệu đồng để giải quyết công việc trước mắt. Nói là vay 100 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 65 triệu đồng; còn 35 triệu đồng, các đối tượng giữ lại với lý do trả lãi trước cho 1 tuần, tức là mỗi ngày chúng tôi phải trả 5 triệu đồng tiền lãi.
“Họ không cho ngưng đóng lãi ngày nào. Đóng không được thì phải vay mới để đóng. Nợ cũ chưa trả xong, nợ mới lại ập tới. Chúng tôi bốc đầu này đắp đầu kia cứ như lao vào vòng xoáy, không dứt ra được. Chưa đầy 6 tháng, chúng tôi đã trả hơn 500 triệu đồng tiền lãi mà nợ gốc vẫn chưa dứt. Gia đình xin trả gốc thì các đối tượng không chịu và cứ tính lãi mỗi ngày 5 triệu đồng”, chị D kể lại.
Các đối tượng cho vay lãi nặng nhắn tin uy hiếp nạn nhân. Ảnh: PV |
“Chỉ có chết mới thoát cảnh nợ nần”
Chị L.T.K.H đã thốt lên như vậy khi mỗi lần mở điện thoại lên là nhận tới tấp tin nhắn uy hiếp từ các đối tượng cho vay lãi nặng. “Đến giờ, giấy khai sinh của con tôi, họ vẫn còn giữ, tôi không cách nào lấy lại được”, chị H bần thần.
Không riêng chị H, các nạn nhân của tín dụng đen đều đang ngày ngày sống trong sợ hãi do bị đe dọa, chửi mắng, bị đánh đập, bêu xấu. Khánh kiệt về tài chính, mất khả năng chi trả trong khi lãi mẹ vẫn đẻ lãi con mỗi ngày, nhiều nạn nhân đã suy sụp tinh thần.
Theo chị N.T.D, nhiều tháng qua, gia đình chị liên tục bị “khủng bố”. Các đối tượng hết nhắn tin, gọi điện đe dọa, đến in hình chồng chị dán khắp các cột điện trong vùng, rồi rêu rao bêu xấu trên mạng xã hội, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà… Đỉnh điểm, chúng còn đến nhà xô xát, đánh người mẹ đã già yếu của chồng chị. “Đúng là sống không bằng chết”, chị D nức nở.
Còn chị L.T.B.Q cho hay: Trước khi đưa tiền, các đối tượng cho vay tín dụng đen đến xem nhà, xem CMND hoặc CCCD rồi quay clip yêu cầu tôi tự đọc tên tuổi, địa chỉ nhà cùng số tiền vay. Không cần giấy vay nợ, các đối tượng dùng clip này để đe dọa tôi và gia đình, nếu không trả tiền thì họ sẽ tung lên mạng xã hội để bêu xấu. Từ khi còn ở nhà mẹ đẻ đến lúc tôi lấy chồng, các đối tượng vẫn không buông tha. Liên tục bị đe dọa, tôi luôn sống trong sợ hãi, không dám làm việc gì, cũng không dám đi đâu.
Theo lời các nạn nhân, khi cùng đường, phải vay nóng tín dụng đen, họ đã biết phải trả lãi cao gấp nhiều lần bình thường nhưng vì nghĩ có thể xoay xở được trong thời gian ngắn nên đành chấp nhận. Không ai ngờ có ngày tán gia bại sản vẫn chưa trả hết nợ. Bởi để tiếp tục thu tiền từ các con nợ, các đối tượng cho vay luôn giới thiệu “giúp” nạn nhân đường dây cho vay mới để trả nợ cũ. Nợ chồng nợ và ngày càng phình to, cứ như vậy, các nạn nhân sớm rơi vào cảnh mất khả năng chi trả. Khi nạn nhân không thể trả được nợ như yêu cầu, chúng kéo đến nơi ở, nơi làm việc của nạn nhân để quậy phá, đăng hình lên mạng xã hội gây mất uy tín của người vay, buộc họ bằng mọi giá phải trả nợ cho chúng, nếu không thì sống không yên.
Mặc dù liên tục bị “khủng bố” nhưng thực tế cho thấy, phần lớn người vay tín dụng đen không dám trình báo cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù. Đa phần họ chọn cách “vay đầu này đắp đầu kia”, hoặc bỏ đi khỏi địa phương khi không còn khả năng trả nợ. Trong khi đó, quá trình giao dịch vay - trả giữa nạn nhân và các đối tượng cho vay lãi nặng hầu như không để lại bằng chứng gì. Đó là những rào cản đối với quá trình điều tra, khởi tố các đối tượng này.
Kỳ cuối: Kiên quyết đấu tranh với các đối tượng cho vay lãi nặng